Hotline: 091.455.0662

Hội nghị “Đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp”

19/04/2016 11:20
Sáng ngày 12/6/2015, tại hội trường của Học viện nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, đến dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, GS.TS Trần Đức Viên, Giám đốc học viện nông nghiệp Việt Nam, Ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối (NLTS&NM), Lãnh đạo khoa cơ điện – Học viện nông nghiệp Việt Nam, Viện cơ điện NN&CNSTH, Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các đơn vị ban ngành, các đơn vị sản xuất, chế tạo, cung cấp máy nông nghiệp cùng đông đảo nhà khoa học tham dự.
 
Tại Hội nghị này, Bộ NN&PTNT đánh giá thực trạng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
 
 
Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
 
Theo Cục NLTS&NM thì mức độ % cơ giới hoá bình quân trong lĩnh vực trồng trọt các khâu và các loại cây trồng cụ thể như sau: - Khâu làm đất:  Lúa đạt 92% (tăng gần gấp đối so với năm 2000), cao nhất vùng đồng băng sông Cửu Long đạt 98%, thấp nhất trung du miền núi phía Bắc đạt 45%. Mía đạt 80% ở những vùng sản xuất tập trung, địa hình bằng phẳng, như: Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh, Đồng Nai…; - Khâu gieo, trồng: Đối với Lúa gieo bằng công cụ xạ hàng và cấy đạt 30%; Đối với mía trồng bằng máy đạt khoảng 30%  tập trung ở  một số Công ty mía đường như: Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai, Phú Yên còn các hộ dân trồng thủ công….; Và các khâu khác như chăm sóc tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản (sấy, dự trữ) mức độ cơ giới hóa còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
 
Cục NLTS&NM cũng đưa ra một số yếu kém như: Trình độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, thấp và phát triển chưa toàn diện, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về cơ khí nông nghiệp còn nhiều bất cập, chậm chuyển giao vào sản xuất, ngành cơ khí chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng cơ giới hóa nông nghiệp,… Cục NLTS&NM cũng đã đưa ra một số giải pháp như: Triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và thị trường, khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp,…
 
Công ty THHH Một thành viên máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC) là đơn vị đầu ngành trong nước về chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa ngành nông nghiệp, với bề dày 55 năm chuyên sản xuất, chế tạo các loại máy móc phục vụ nông nghiệp, Công ty đã vượt qua khó khăn, đến nay đã cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm, góp phần cơ giới hóa ngành nông nghiệp Việt Nam. Công ty TAMAC đã đem đến hội nghị các loại sản phẩm mới như máy cấy 4 hàng dắt tay PC4 của Iseki, Nhật Bản, máy gieo hạt Hàn Quốc, máy kéo xuất khẩu BS165X, máy kéo 2 bánh BS12A1, BS165A1, máy kéo 4 bánh BS304, NT536 của Iseki, Nhật Bản được rất nhiều đại biểu quan tâm.
 
Ông Đào Quang Khải, Giám đốc Công ty TAMAC đã báo cáo tham luận, đưa ra những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Báo cáo cũng đề xuất một số giải pháp như: Rút ngắn thời gian ban hành các thông tư, hướng dẫn để các văn bản  hỗ trợ nông nghiệp sớm đi vào thực tế; các cơ quan chức năng cần công bố các đầu mối, quy trình thủ tục hồ sơ để nông dân tiếp cận vay vốn thuận lợi; Cần tăng cường công tác tuyên truyền Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg cũng như các văn bản hỗ trợ nông nghiệp để nông dân nắm được chính sách phát triển nông nghiệp của Nhà nước; Kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi danh mục máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp từ không chịu thuế thành chịu thuế VAT với thuế suất bằng không.
 
Ông Đào Quang Khải, Giám đốc Công ty TAMAC báo cáo tham luận tại hội nghị
 
Đại biểu dự hội nghị thăm quan máy nông nghiệp của Công ty TAMAC
 
Máy gieo hạt và máy cấy của TAMAC được đông đảo đại biểu quan tâm
 
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã phát biểu bế mạc hội nghị và cho rằng đây là hội nghị tham vấn cho Bộ NN&PTNT có những giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp trong thời gian tới, tốc độ cơ giới hóa trong những năm gần đây đã tăng đáng kể, tuy nhiên mức độ cơ giới hóa trên diện tích canh tác còn thấp so với các nước trong khu vực.
 
Minh Lượng - Phòng NC&PT
 
Số lượt đọc: 2688 -